Lươn là vật nuôi đem lại lợi ích kinh tế khá ổn định ở nước ta cùng với đó là mô hình nuôi lươn không bùn ngày càng phổ biến. Bước đầu tiên để chăn nuôi lươn hiệu quả đó là chọn lươn giống hay còn gọi là lươn bột. Vậy lươn bột là gì và cách cho ăn thay nước sao cho hợp lý. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
NHƯ THẾ NÀO LÀ LƯƠN BỘT?
Sau khi lươn mẹ đẻ trứng, chúng ta sẽ thu hoạch sau đó ấp trứng trong bể nước có sục oxy, sau khoảng 7 ngày trứng sẽ nở thành lươn bột. Khi đi mua lươn giống bên ngoài thì lươn bột chính là size 5000 – 10000 con/ 1kg. Giá thị trường của bột giao động từ 800 đồng đến 1.000 đồng mỗi con.
Để chăn nuôi lươn bột hiệu quả cần chuẩn bị giá thể để lươn có chỗ ẩn náu. Sử dụng dây bao hoặc lưới thưa, nên chọn những vật liệu thưa, thoáng khí để làm giá thể. Qua thực tế cho thấy, lươn bột thường ẩn náu vào nút buộc của dây bao, bởi nó dày đặc hơn. Vì vậy để tối ưu nhất bạn có thể buộc hai đầu dây bao rồi cho chúng chìm xuống nước, tạo nơi ẩn náu cho lươn con.
THỨC ĂN CỦA LƯƠN BỘT
Bởi vì lươn bột còn ít ngày tuổi nên thức ăn của lươn bột cũng cần chú ý hơn. Chủ yếu cho lươn ăn trùn chỉ hoặc có thể cho ăn cám cá chình 55 đạm.
TRÙN CHỈ
Đối với trùn chỉ có thể cho lươn bột ăn từ bé, với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào và ít làm ô nhiễm nước, trùn chỉ là món ăn đa số người nuôi cho ăn. Thế nhưng trùn chỉ cũng có một số nhược điểm như giá khá cao so với các loại thức ăn khác và khá khó để bảo quản. Cho lươn ăn trùn chỉ từ khi size 5000 – 10000. Khi cho ăn cần rải đều trên giá thể để lươn được ăn đều hơn.
Lưu ý khi cho lươn bột ăn trùn chỉ nên tắt oxy tránh cho trùn chỉ vón cục, làm lươn con khó ăn được trùn.
CÁM CÁ CHÌNH
Đối với cám cá chình thì phải đợi cho lươn size 5000 trở lên mới ăn được, vì khi cho ăn cám sớm, lươn bột rất dễ phân cỡ. Cám cá cũng rất nhanh tan, thế nên cần dọn dẹp chậu nuôi thường xuyên hơn.
THỨC ĂN TRỘN
Với giá cả rẻ nhất có thể dùng thức ăn trộn. Trộn các loại như trùn quế, côn trùng, cám cá lại rồi say mịn. Cách này tiết kiệm kha khá thế nhưng nếu lươn ăn ít thì rất tốn công để dọn dẹp chậu nuôi và thức ăn trộn cũng không thể bảo quản được lâu.
TRÙN QUẾ ĐÔNG LẠNH
Qua thực tế cho thấy, trùn quế hiện tại là loại thức ăn mang lại lợi ích kinh tế tốt nhất khi nuôi lươn bột. Sử dụng trùn quế đông lạnh để cho lươn ăn tốt nhất không nên băm nhỏ ra mà thái lát mỏng cho trực tiếp vào chậu nuôi. Trùn quế đông lạnh có chi phí thấp hơn so với trùn chỉ và cám cá, bên cạnh đó bảo quản cũng dễ dàng mà hàm lượng chất dinh dưỡng có trong trùn quế cũng rất nhiều.
Cho lươn bột ăn từ 2-3 lần/ ngày tùy thuộc vào size lươn.
CÁCH THAY NƯỚC CHO LƯƠN BỘT
Sau khi ăn khoảng một đến hai tiếng đồng hồ chúng ta có thể thay nước cho lươn. Vì lươn bột có kích thước cơ thể nhỏ và còn rất mẫn cảm với môi trường thế nên có những cách thay nước khác so với lươn trưởng thành. Có hai cách phổ biến để thay nước cho lươn bột:
Cách thứ nhất: dùng ống để hút cặn bã. Ở cách này chúng ta cần chuẩn bị một cái chậu hoặc cái xô để thấp hơn chậu nuôi lươn, rồi dùng ống khoảng 70 đến 1 mét để hút cặn bã ra khỏi chậu nuôi. Ở cách này không loại bỏ được hoàn toàn cặn bã, khoảng 70 đến 80% và khá tốn thời gian nhưng bù lại lươn sẽ khỏe và ít bị sốc hơn.
Cách thứ hai: tắm thay trực tiếp. Cách này đơn giản nhưng chỉ nên áp dụng cho lươn ở size lớn hơn, size từ 5000. Chúng ta lấy và giặt giá thể hằng ngày, sau đó cho lươn vào vợt rồi tưới nhẹ nước để sạch lươn, trong thời gian đó có thể vệ sinh chậu nuôi và giá thể cho lươn.
Mỗi ngày thay nước từ một đến hai lần để luôn giữ cho môi trường nuôi sạch sẽ, hạn chế các bệnh phát sinh cho lươn. Cũng không nên thay nước quá nhiều tránh trường hợp lươn bị sốc và rất tốn kém. Để nuôi lươn bột mực nước trong khoảng hai mắc tay ( 4 – 6 cm) vừa đủ ngập giá thể, tạo nơi ẩn nấp cho lươn.
Lươn từ 30 ngày tuổi trở lên thức ăn của lươn có thể ngưng trùng chỉ và chuyển sang các loại thức ăn trộn. Lưu ý và áp dụng những kỹ thuật trên bạn đã phần nào hạn chế rủi ro khi nuôi lươn bột và giúp lươn khỏe hơn.